Ngày 21/3, hội Địa chất kinh tế và ban Pháp chế thuộc phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các tổ chức thành viên LMKS phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức hội thảo "Minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản: Đo lường khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn" nhằm tạo diễn đàn thảo luận về thực trạng minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản hiện nay, các hệ lụy và hướng cải thiện trong tương lai.
Hội thảo tập trung thảo luận về thực trạng minh bạch trong các quy định, chính sách của lĩnh vực khoáng sản. Đặc biệt trong giai đoạn cấp phép và quá trình thu thuế, phí từ khai thác khoáng sản, từ đó đề xuất các khuyến nghị để thúc đẩy minh bạch, quản trị tốt hơn và đảm bảo hệ thống thu – chi tài chính minh bạch và bền vững trong lĩnh vực khoáng sản.
Là một trong những ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng, đóng góp lớn cho ngân sách và GDP với sản lượng khai thác các nguồn lực khoáng sản lớn, tuy nhiên, công nghiệp khai khoáng của Việt Nam lại đang đối mặt với không ít thách thức như tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Một trong những điểm quan trọng cần phải sớm khắc phục đó là mức độ minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng, đặc biệt trong cấp phép quản lý thu thuế phí. Đây cũng là những vấn đề đã được Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển nhận định tại Đối thoại phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực khoáng sản.
Từ năm 2010 đến nay, khung chính sách và pháp luật về tài nguyên của VN đang từng bước hoàn thiện. Nhu cầu minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao năng lực quản trị.
Dù nguyên tắc này chưa được chính thức ghi nhận rộng rãi trong văn bản quy phạm pháp luật của ngành khoáng sản, song nhiều quy định hướng tới minh bạch, công khai thông tin cũng đã được xem xét lồng ghép.
Các quy định này được kỳ vọng sẽ góp phần cung cấp thông tin cho công chúng, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào việc khai thác, sử dụng nguồn lợi từ khoáng sản một cách bền vững và đạt hiệu quả cao nhất.
Theo đánh giá của một số nghiên cứu trước đó, các quy định pháp lý của Việt Nam không hề thua kém nếu so sánh với nhiều quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, khoảng cách từ quy định trên giấy và thực tiễn thi hành luôn là vấn đề lớn của hệ thống pháp luật Việt Nam.
|
Theo báo cáo của bộ Tài nguyên và môi trường, mức độ thực thi nhiều quy định của pháp luật về khoáng sản còn thấp. Ví dụ, quy định về cấp phép hoạt động khoáng sản có mức độ sai phạm khá cao: 1086 sai phạm trên 957 giấy phép (tức là trung bình mỗi giấy phép có 1,13 sai phạm).
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Minh Đức, đại diện VCCI khẳng định: "Khoáng sản là sở hữu toàn dân, Nhà nước chỉ là đại diện chủ sở hữu. Minh bạch trong khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo công bằng, dân chủ xã hội. Website của Tổng cục Địa chất và khoáng sản hiện đăng tải 38 trường hợp xin cấp phép thăm dò khoáng sản không qua đấu giá.
Trong 3 năm, 2012-2014, bộ Tài nguyên và môi trường đã cấp 112 giấy phép thăm dò khoáng sản không qua đấu giá, 17 trường hợp gia hạn, 95 trường hợp cấp mới.
Trong khi đó, vẫn xảy ra tình trạng không minh bạch việc thu chi đối với người dân, địa phương. Các khoản đóng góp tự nguyện đôi khi không mang tính chất tự nguyện, không minh bạch trong việc thu chi. Có sự chồng chéo giữa đề án đóng cửa mỏ và đề án cải tạo, phục hồi môi trường".
Theo đánh giá của các chuyên gia của trung tâm Thiên nhiên và con người, luật Khoáng sản 2010 quy định thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng lại không quy định rõ các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp qua đấu giá, khiến việc lựa chọn nhiều khi không đạt được mục tiêu là doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện.
Ngoài ra, quy định hiện nay cũng không yêu cầu công khai quá trình cấp phép từ thông tin doanh nghiệp đăng ký cấp phép cho đến doanh nghiệp được lựa chọn cấp phép, nên mức độ minh bạch trong quá trình cấp phép rất hạn chế và thiếu tính cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đã phải trả nhiều chi phí không chính thức để có được giấy phép khai thác.
Ngay cả khi các quy định đấu giá được kỳ vọng sẽ được áp dụng đại trà để giảm thiểu cơ chế "xin-cho", nhưng cho tới nay, số trường hợp thực hiện đấu giá vẫn là con số khá khiêm tốn.
Bên cạnh đó, liên quan đến hoạt động quản lý thu, nguồn thu từ lĩnh vực khoáng sản thường được đánh giá là chưa tương xứng với quy mô khai thác. Số liệu thông kê của bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí trong giai đoạn 2011-2013 chỉ đạt 1% tổng thu ngân sách nhà nước.
Nhiều địa phương phản ánh rằng số thu thuế tài nguyên thậm chí không đủ cho chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khoảng sản. Cách thức quản lý thu thuế, phí dựa trên giá bán và sản lượng được khai báo bởi doanh nghiệp, cũng đưa ra những vấn đề nhiểu tranh cãi.
Năm 2013, viện Quản trị tài nguyên thiên nhiên đã đánh giá Việt Nam chỉ đứng thứ 41/58 quốc gia và xếp hạng là "yếu" trong các đánh giá về mức độ minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng.
Đặc biệt, Việt Nam còn được đánh giá là "thất bại" trong các khía cạnh liên quan đến "báo cáo và thực thi pháp luật" với 20 chỉ số liên quan về minh bạch, công bố thông tin về báo cáo hiện trạng hoạt động, bên cạnh các khía cạnh khác về thể chế, pháp luật, các biện pháp đảm bảo an toàn xã hội, kiểm soát chất lượng bảo vệ môi trường.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Tiến Chỉnh - hội Địa chất kinh tế cho biết: "Đến tháng 6/2016, có 7/52 tỉnh (bao gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Kon Tum, Nam Hà, Hà Nội, Thái Nguyên) có kế hoạch triển khai đấu giá gần 70 điểm và mỏ với tổng giá trị khoảng 39 tỷ đồng; tuy nhiên, số liệu các mỏ đấu giá thành công thì chưa thấy cập nhật.
Bộ bộ Tài nguyên và môi trường duyệt kế hoạch đấu giá nhưng lại chưa triển khai được. Nguyên nhân được cho là hồ sơ đấu giá không đủ (quy định có ít nhất 3 tổ chức tham gia); không đủ năng lực tài chính theo quy định (vốn chủ sở hữu lớn hơn hoặc bằng 50 tỷ đồng); doanh nghiệp cần có chuyên môn về thăm dò và phải cam kết chế biến sâu; mức thu phí tham gia đấu giá là khá lớn. Nhiều doanh nghiệp gặp khó về tài chính (ít nhất 20-30%) không thể tham dự".
Ông Chỉnh cũng chỉ ra những bất cập trong chính xách thuế như: "Thuế tăng cao chưa theo cơ chế thị trường và giá trị tô mỏ. Luật Khoáng sản quy định về việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung cả nước là không khả thi.
Vì phạm vi, quy mô quá lớn (có hơn 40 loại khoáng sản) và nội dung quy hoạch quá phức tạp, không thể xây dựng đáp ứng yêu cầu. Nghị định 15/2012/NĐ-CP không quy định và hướng dẫn về xây dựng lại quy hoạch.
Quy hoạch đất chứa tài nguyên chồng chéo với quy hoạch các ngành và sử dụng đất địa phương không ai kiểm soát gây lãng phí và tổn thất tài nguyên. Theo công thức xác định tiền trúng đấu giá tại Điều 5, Nghị định 203/2013/NĐ-CP và Điều 6, Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT&BTC không đề đến khai thác khoáng sản đi kèm. Đó là kẽ hở lớn bị lợi dụng...".